1. Nên trao quyền quyết định cho bé
Vì những suy nghĩ rằng bé chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm nên không ít bậc ba mẹ không cho bé tự quyết định và có những chọn lựa của riêng mình. Tuy nhiên, nếu như ba mẹ muốn bé có thể trở thành một người lớn lên có trách nhiệm, biết cách tự đưa ra quyết định thì hãy khuyến khích trẻ học hỏi công việc này càng sớm càng tốt. Mục đích của việc trao quyền tự quyết định cho bé là để giúp trẻ có thể độc lập và cảm thấy mình có quyền kiểm soát mọi thứ.
Chơi ở đâu? Đi đâu? Ăn gì? Mặc gì? Ba mẹ hãy để trẻ được tự lựa chọn cho bản thân mình. Với các bé đang học ở bậc tiểu học, ba mẹ có thể cho bé lựa chọn ăn sáng bằng phở hoặc bún, uống sữa hoặc uống nước khoáng, đi sở thú hay hồ bơi… Với các bé ở bậc trung học hoặc lớn hơn có thể cho bé chọn lựa mua giày búp bê hay giày thể thao, vé xem phim hay xem ca nhạc, đi công viên hay qua nhà bạn…
Hãy lưu ý, khi bé đã đưa ra lựa chọn, ba mẹ nên cân nhắc những lựa chọn này có phù hợp và nằm trong tầm kiểm soát hay không.

2. Giúp bé chịu trách nhiệm với quyết định của mình
Để hỗ trợ bé trong việc rèn luyện kỹ năng tự đưa ra quyết định, ba mẹ nên tập cho trẻ hiểu những trách nhiệm với quyết định của mình.Ví dụ như nếu bé đã chọn uống sinh tố và ba mẹ đã đáp ứng cho bé nhưng sau đó bé lại đòi uống sữa thì lúc này ba mẹ nên nói với bé là con đã chọn uống sinh tố và đã gọi cho con rồi, đây là sự chọn lựa của con. Con có thể uống thêm sữa vào bữa tối.
Qua đó, ba mẹ cần phải giải thích cho bé hiểu khi bé đã chọn cái này rồi thì phải từ bỏ thứ kia. Với sự lựa chọn bất kỳ nào, điều gì cũng sẽ có những hậu quả đi kèm đó có thể là tốt hoặc xấu, trẻ cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định mình đã chọn. Điều này giúp bé biết suy nghĩ hơn và đưa ra những lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho bản thân.

3. Nên cho bé trải qua những vấp ngã
Sai lầm, vấp ngã là những bài học giúp con người trưởng thành hơn không chỉ với người lớn mà ngay cả đối với trẻ em. Để trẻ học cách đưa ra những quyết định đúng, biết tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình, hãy để bé trải qua những vấp ngã bởi lựa chọn sai lầm của mình
Ví dụ, khi bé chơi cùng bạn, bé đã quyết định sẽ chọn chơi xe tăng và để bạn chơi máy bay. Nhưng sau đó, bé lại giành đồ chơi máy bay của bạn. Khi đó, ba mẹ cần phải giải thích cho bé hiểu đây là hành vi không đúng và nói với bé là con đã lựa chọn chơi xe tăng trước rồi không nên giành đồ của bạn. Điều này đã giúp bé hiểu được lỗi sai của mình và có quyết định đúng hơn cho các lần sau.
4. Không nên thay bé quyết định
Vì sợ bé không thể tự quyết định được mà không ít bậc ba mẹ quyết định lựa chọn thay cho bé. Điều này nên từ bỏ bởi vì khi bạn thay bé quyết định, bé sẽ khó có thể trở nên độc lập, không thể biết tự suy nghĩ và lựa chọn cho cuộc sống của mình. Thay vì quyết định thay hãy khuyến khích, định hướng con đường cho bé để bé có thể biết chọn lọc, tự cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn.